Võng mạc đái tháo đường
Chữ viết tắt
- ĐTĐ: Đái tháo đường
- BVMĐTĐ: bệnh võng mạc đái tháo đường
- Bệnh Võng mạc đái tháo đường là gì?
Bệnh võng mạc đái tháo đường (BVMĐTĐ) là một trong những biến chứng tại mắt do bệnh đái tháo đường. Đây là nguyên nhân gây mù hàng đầu ở người dưới 50 tuổi. Các nghiên cứu cho thấy, BVMĐTĐ làm giảm chất lượng cuộc sống và khả năng làm việc của bệnh nhân,gây tổn hại chức năng thị giác trên người tuổi lao động. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu chứng minh rằng việc kiểm soát đường huyết tốt, huyết áp và mỡ trong máu giúp làm giảm nguy cơ hoặc làm chậm tiến triển của BVMĐTĐ.
- Khi nào người bệnh tiểu đường cần đi khám mắt?
Khi bị tiểu đường, bản thân người bệnh cũng không biết mình có biến chứng dẫn đến bệnh võng mạc cho đến khi nó trở nặng, hoặc khi nhìn tầm nhìn xa có vấn đề. Vì vậy, người mắc tiểu đường hãy hết sức lưu ý những thay đổi nhỏ của mắt, đặc biệt là một số triệu chứng dưới đây:
- Thỉnh thoảng mắt bị mất khả năng nhận biết màu sắc.
- Cảm thấy mắt bị mờ thoáng qua.
- Đôi khi mắt sẽ nhìn thấy các đốm đen hoặc các chớp sáng
- Mắt thường bị nhòe mỗi khi đọc sách báo hoặc lái xe
Hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra nếu người bệnh gặp phải những triệu chứng trên.
- Nguyên nhân gây bệnh
Nếu không được điều trị sớm, bệnh võng mạc do tiểu đường sẽ dẫn đến tổn thương vĩnh viễn cho võng mạc. Trong cấu tạo mắt, võng mạc là lớp chứa tế bào thần kinh phía sau mắt, có chức năng thu nhận ánh sáng để tạo nên hình ảnh. Nguyên nhân người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị võng mạc là do:
- Lượng glucose trong máu (đường huyết) quá cao trong thời gian dài sẽ là nguyên nhân chặn các mạch máu li ti nuôi dưỡng sức khỏe của võng mạc. Mắt của người bệnh cố gắng tạo các mạch máu mới, trong khi những mạch máu này không phát triển như bình thường. Hậu quả là chúng gây ra xuất huyết và tràn dịch vào trong võng mạc, có trường hợp gây ra tình trạng phù điểm vàng, làm mờ tầm nhìn.
Khi bệnh chuyển biến càng nặng thì sẽ càng có nhiều mạch máu bị tắc nghẽn. Các chất dịch thoát ra từ mạch máu sẽ tích tụ làm lớp võng mạc bị tách ra. Nếu không được phát hiện sớm, người bệnh có khả năng bị mù lòa vĩnh viễn.
- Các khám nghiệm người bệnh được làm khi đi khám mắt:
Tại phòng khám Mắt trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bệnh nhân tiểu đường sẽ được:
-Khám tổng quát về mắt để đánh giá chức năng chung của mắt
-Tra thuốc giãn đồng tử để khám đáy mắt
-Chụp đáy mắt ảnh màu để nhận định các tổn thương giai đoạn sớm
-Nếu đã xuất hiện các tổn thương, chụp mạch máu huỳnh quang và chụp OCT để đánh giá. Hệ thống chụp mạch huỳnh quang kỹ thuật số cho phép phát hiện các tổn thương phù, xuất huyết, thiếu máu, tân mạch bất thường rất chính xác. Chụp OCT cũng là một phương pháp cực kỳ hiện đại để đánh giá tình trạng phù và tổn thương của võng mạc trung tâm
- Tái khám định kỳ
- Chụp đáy mắt: sau 5 năm bị ĐTĐ.
- Nếu không có BVMĐTĐ: khám định kỳ 1-2 năm.
- Nếu có BVMĐTĐ: khám mỗi 6 tháng.
Tài liệu tham khảo
- Đỗ Như Hơn, Giáo trình Nhãn Khoa “ Bệnh lý võng mạc đái tháo đường”, tr 268-283.
- Phát đồ điều trị bệnh viện Chợ Rẫy (2013), Nhà xuất bản Y học, tr 611-686.
- Hội Đồng Nhãn Khoa Quốc Tế: Hướng dẫn chăm sóc mắt cho bệnh nhân đái tháo đường.
- Jack J. Kanski, Brad Bowling (2011), “Diabetic retinopathy, retinal vascular disease”, Clinical ophthalmology, Elsevier Limited,13: 534-549.