Làm Gì Khi Trẻ Bị Chấn Thương Mắt ?

Mùa hè sắp tới cũng là mùa trẻ vui chơi, hoạt động nhiều hơn và cũng có nhiều nguy cơ chấn thương hơn, đặc biệt là chấn mắt ở trẻ nhỏ. Chính vì vậy, cha mẹ cần biết cách phòng ngừa, xử trí ban đầu đúng cách trước khi đưa trẻ đến bệnh viện giúp ngăn chặn nhiều nguy cơ nguy hiểm đến mắt trẻ.
Chấn thương mắt ở trẻ em
Chấn thương mắt ở trẻ em thường gặp trong cuộc sống hằng ngày và phát sinh tình cờ trong các hoàn cảnh khác nhau: thể thao, sinh hoạt, vui chơi, đánh nhau, té ngã... Chấn thương có thể làm tổn thương da, tổ chức mô quanh mắt, nhãn cầu, xương hốc mắt. Các chấn thương nhỏ và nông thường không cần điều trị và vết thương sẽ lành sau 48 giờ. Tuy nhiên, một số chấn thương mắt không có biểu hiện rõ ràng ngay từ đầu nhưng việc xử lý chậm trễ có thể dẫn đến đe dọa gây mất thị lực vĩnh viễn.
Dấu hiệu và triệu chứng nhận biết khi trẻ bị chấn thương mắt
Chấn thương mắt ở trẻ em là chấn thương ở bất kỳ phần nào của mắt, xung quanh mắt và tùy vào loại chấn thương, mắt trẻ sẽ có những triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng biết cách diễn đạt, cha mẹ cần chú ý khi trẻ có những biểu hiện sau:
· Trẻ bồn chồn, khó tập trung
· Đau nhức mắt hoặc chói khi nhìn ánh sáng
· Đỏ, mí mắt sưng lên
· Rách da ở mi, vết bầm dập, chảy máu ở các vết thương xung quanh mắt
· Nước mắt chảy giàn giụa
· Dùng tay che một bên hoặc hai bên mắt
· Thị lực thay đổi
· Đau đầu
Xử trí một số chấn thương mắt thường gặp ở trẻ em
Chấn thương do bỏng:
Bỏng do mắt tiếp xúc với hóa chất khiến mắt đỏ, đau, nóng rát.
Ngay lập tức rửa mắt cho trẻ bằng nước sạch trong vòng ít nhất 15-20 phút để loại bỏ hóa chất, hạn chế tối thiểu tổn thương do hóa chất gây ra. Với:
§ Trẻ nhỏ, đặt trẻ nằm ngửa, dùng tay banh rộng mắt trẻ
§ Trẻ lớn ngồi cúi đầu vào chậu hay bồn rửa sao cho mắt bị chấn thương nằm thấp hơn bên lành.
Nhắc trẻ đảo mắt liên tục để tăng hiệu quả rửa mắt
Sau khi tiếp xúc với hóa chất 24 giờ mới có thể đánh giá chính xác mức độ nghiêm trọng của bỏng, cần đưa trẻ đi khám cấp cứu và mang theo chai lọ chứa hóa chất.
Bỏng mắt cũng có thể xảy ra do khói, hơi nóng, ánh nắng mặt trời, máy uốn/ sấy tóc.
Chấn thương do dị vật: thường rất phổ biến.
Dị vật (bụi, cát, vụn gỗ, côn trùng...) dù nhỏ đến thế nào khi rơi vào mắt trẻ đều có thể gây ra triệu chứng, thường nhạy cảm với ánh sáng chói.
Ø Không được cho trẻ dụi mắt
Ø Không dùng giấy hoặc bông để lấy dị vật → có thể khiến mắt bị nhiễm trùng, đẩy dị vật vào sâu hơn hoặc gây xước kết mạc, giác mạc.
Thay vào đó, cha mẹ nên:
§ Đặt bé nằm ngửa và trấn an
§ Dùng các ngón tay banh rộng mắt của bé, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý/ nước sạch ngâm mắt trẻ trong nước sạch.
Nếu dị vật vẫn không ra, hãy yêu cầu trẻ nhắm mắt hoặc băng nhẹ cả hai bên để hạn chế cử động mắt, giảm thiểu chấn thương, rồi đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt.
Chấn thương do vật nhọn đâm vào mắt:
Do các vật sắc nhọn hoặc không nhọn lắm nhưng di chuyển với tốc độ nhanh có thể gây tổn thương nhiều cấu trúc của mắt, thậm chí có thể gây thủng nhãn cầu.
Ø Không được cho trẻ dụi mắt
Ø Không rửa mắt bằng nước hoặc các dung dịch khác
Ø Không tìm cách loại bỏ dị vật trong mắt
Ø Không uống thuốc giảm đau
Ø Không cho trẻ uống hay ăn bất kỳ thứ gì, đề phòng trường hợp cần gây mê để xử trí vết thương.
Tất cả những trường hợp này cần đưa trẻ đến phòng cấp cứu chuyên khoa mắt ngay lập tức.
Chấn thương do đụng dập:
Chấn thương khi va chạm hoặc ngã đập với một vật khác vào mắt như: trẻ bị bóng đập vào mắt, tai nạn, bị đấm, bị hích khuỷu tay vào mắt.
Mắt trẻ thường phù nề, bầm tím quanh mắt. Nếu nguyên nhân chấn thương do tai nạn cần chú ý có thể kèm theo tổn thương khác ngoài mắt, đặc biệt là vùng đầu mặt.
Cách xử trí đơn giản ngay là chườm lạnh cho vùng mắt bị chấn thương để giảm đau và giảm phù nề. Có thể dùng túi chườm lạnh hoặc đá bọc trong khăn và chườm 15-20 phút, nhắc lại sau mỗi 1-2 giờ. Sau 48 giờ thì xen kẽ chườm lạnh và chườm nóng. Kê thêm gối để ngủ và khuyến khích trẻ nghiêng về phía không tổn thương để ngủ.
Tuyệt đối:
Ø Không ấn mạnh lên vùng tổn thương
Ø Không ép trực tiếp đá lạnh lên mắt vì khiến vết thương trở nên trầm trọng hơn
Nếu mắt vẫn đau nhức, nhìn mờ hay chảy máu kể cả sau một cú đụng dập nhẹ, cần đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay để loại trừ chấn thương bên trong mắt.
Đưa trẻ đi khám bác sĩ mắt chuyên khoa mắt
Điều quan trọng nhất cần làm là đưa trẻ đi gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để có được sự chăm sóc và xử trí mắt hiệu quả. Ngoài ra, nếu có một trong các dấu hiệu sau thì cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt ngay lập tức:
· Gia tăng mức độ bầm
· Đau mắt dữ dội hoặc đau dai dẳng
· Song thị
· Thị lực thay đổi
· Cháy máu/ rỉ dịch/ mủ từ mắt
· Vết rách sâu quanh mắt
· Đau đầu
Phòng ngừa chấn thương mắt cho trẻ em
Hầu hết CHẤN THƯƠNG MẮT ở trẻ em thường xảy ra khi cha mẹ bất cẩn, sao nhãng trong việc chăm sóc trẻ. Giáo dục thường xuyên để trẻ có ý thức tự bảo vệ mình là việc đầu tiên cần làm. Ngoài ra, đa số các chấn thương mắt có thể phòng tránh nếu có biện pháp phù hợp:
· Chọn đồ chơi phù hợp với lứa tuổi của trẻ, tránh đồ chơi có đầu nhọn.
· Theo dõi sát khi trẻ chơi các trò chơi, thể thao.
· Hướng dẫn trẻ cách sử dụng an toàn các vật dụng có thể gây nguy hiểm như bút chì, kéo, dây chun, mắc áo…
· Che chắn tất cả các góc nhọn của bàn, tủ, lắp đặt đèn và tay vịn trên cầu thang
· Giữ các loại hóa chất tẩy rửa trong gia đình xa tầm với của trẻ nhỏ
Đôi mắt sáng, tinh anh giúp trẻ tự tin hơn trong giao tiếp, nếu chấn thương trẻ sẽ gặp nhiều khó khắn trong hoạt động thường ngày. Khi trẻ bị chấn thương mắt, cha mẹ cần bình tĩnh để xử trí ban đầu đúng cách, tuân thủ chỉ định của bác sĩ và tái khám đúng theo hẹn. Tuy nhiên, phòng ngừa chấn thương vẫn là biện pháp tối ưu, hiệu quả nhất.
ThS. BS Đoàn Kim Thành
BSNT Phạm Thị Minh Thư
Bộ môn mắt – Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch